Sử dụng tại Việt Nam Tấm lợp fibro xi măng

Tấm lợp fibro xi-măng (hay còn được gọi là tấm amiăng xi-măng) được sản xuất tại Việt Nam từ những năm 1963. Qua gần 60 năm tồn tại, loại tấm này đã chứng minh được tính hữu dụng của nó khi có giá thành rẻ nhưng độ bền cao, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của bà con có thu nhập thấp, các hộ chăn nuôi gia súc gia cầm… vì không bị ăn mòn trong điều kiện khí hậu sương muối ở miền núi hay ở vùng biển có độ mặn cao như miền Trung Việt Nam.

Ở Việt Nam hiện nay, tấm lợp amiăng xi măng là loại tấm lợp hữu dụng, có nhu cầu lớn đối với nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, những hộ gia đình có thu nhập thấp. Đặc biệt khi cần khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt, các thảm họa thiên nhiên hoặc các tình huống khẩn cấp thì tấm lợp amiăng xi măng là mặt hàng rất có hiệu quả, dễ huy động, giá rẻ, dễ dàng, đơn giản để tạo ra chỗ ở tạm tránh mưa, nắng, giữ ấm cho người, chỗ trú ngụ cho gia súc và kho chứa nông sản. Sản phẩm tấm lợp amiăng xi măng rẻ tiền nhưng bền, nhẹ, chất lượng tốt, cách nhiệt, mưa không ồn, nắng ít nóng, không bị mọt, hoen gỉ, phù hợp với khí hậu ven biển có độ mặn cao. Ngành sản xuất tấm lợp AC đã có những đóng góp hiệu quả cho các chương trình xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai của Chính phủ.[4]

Việt Nam đã từng có 40 nhà máy với 53 dây chuyền, tổng công suất thiết kế 105 triệu m²/ năm; sản lượng đạt khoảng 60 – 80 triệu m²/năm; lượng tiêu thụ đạt khoảng 50 – 80 triệu m²/năm. Ngoài lĩnh vực sản xuất tấm lợp amiăng xi măng, còn một số lĩnh vực khác cũng sử dụng amiăng trắng như sản xuất má phanh, gioăng, phớt chịu nhiệt, vật liệu bảo ôn, chịu nhiệt cho ngành nhiệt điện, đóng tàu, áo cứu hỏa.